vuong chi hung

cần hợp tác với những ai muốn kinh doanh

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Học thuyết khách để… kinh doanh


Học thuyết khách để… kinh doanh
Trong khoảng 100 năm đầu kể từ khi Mỹ tuyên bố độc lập, đối thủ của nước này là Anh và Pháp. Để củng cố địa vị của mình, Mỹ cần một đồng minh và đã chọn nước yếu hơn là Pháp để làm “đối tác”.

Ben Franklin

Chính trị gia Benjamin Franklin đã lên tàu đến Paris để thuyết khách. Suy ngẫm về các cách thức hành động của ông, các doanh nghiệp có thể rút ra những bài học thực tiễn tốt nhất để phát triển công việc kinh doanh của mình.

Bài học 1: Hợp tác với ai?

Pháp, cường quốc số 2 vào thời điểm đó, đã có thái độ căm ghét và thù địch đối với cường quốc số 1. Với lịch sử 440 năm chiến tranh và quay cuồng với những mất mát với Anh, người Pháp đã bị hấp dẫn bởi ý tưởng quay trở lại đối đầu với nước này. Và họ trở thành đồng minh công khai của Mỹ.

Đây chính là bài học đầu tiên của phát triển kinh doanh: các đối tác tự nhiên của một doanh nghiệp mới thành lập không nhất thiết phải dẫn đầu thị trường. Thông thường, các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sẽ được hưởng những lợi thế vốn có của việc là một “đấu thủ” lớn nhất và hùng mạnh nhất. Họ cũng có thể có một vài điểm yếu, tuy nhiên, mục tiêu ban đầu vẫn là nhằm để duy trì tình trạng công việc hiện thời. Vì vậy, đối với họ, hợp tác với những doanh nghiệp mới khởi lập thường không phải là một ưu tiên. Đồng minh tự nhiên của một doanh nghiệp mới thành lập thường là những doanh nghiệp xếp ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba, tức là những người vẫn có địa vị và quyền lực, nhưng muốn thay đổi thứ hạng hiện tại của mình.

Lấy ví dụ về Zynga trong thời kỳ đầu với Facebook và MySpace. Trong khi hai siêu cường về mạng xã hội này còn cạnh tranh mạnh mẽ với nhau, thì Zynga chỉ mới bắt đầu. Và Zynga quyết định đặt cược tất cả vào việc hợp tác với Facebook. Tại sao vậy? Bởi vì, Facebook khi đó đang đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường. Họ muốn sử dụng các ảnh hưởng của hệ sinh thái kinh doanh để tiếp tục phát triển và vượt qua MySpace, tập đoàn dẫn đầu về mạng xã hội thời bấy giờ. Sự cộng tác giữa Zynga và Facebook, cuối cùng đã mang lại những thị phần lớn cho cả hai, đưa hai tập đoàn này lên vị trí dẫn đầu trên thị trường mạng xã hội.

Bài học 2: Làm thế nào để tác động đến cơ cấu tổ chức của đối tác

Mặc dù Pháp có vẻ thích Mỹ, nhưng thực sự vẫn còn hơi khó khăn để người Mỹ thuyết phục họ cùng tham gia vào “mưu đồ” nói trên. Người Pháp bề ngoài hòa thuận với Anh và còn rất dè dặt khi đặt cược vào một quốc gia mới thành lập như Mỹ. Ý tưởng ủng hộ một cuộc nổi dậy chống lại chế độ quân chủ đã không nhận được phản hồi tốt với vua Louis XVI. Bấy giờ, Franklin mới bắt đầu “sứ mệnh” của mình bằng cách tìm một người ủng hộ trong triều đình Pháp. Và ông đã tìm thấy người đó trong Bộ ngoại giao Pháp -Comte de Vergennes. Franklin tìm thấy ở Vergennes một nét tính cách độc lập, yêu thích tự do và tình yêu dành cho dành cho tầng lớp trung lưu trong xã hội Mỹ.

Vậy bài học thứ hai cho phát triển doanh nghiệp là phải tìm người ủng hộ trong cơ cấu tổ chức của đối tác. Với khả năng thuyết phục tự nhiên và quyền lực mạnh mẽ, nhiều nhà sáng lập tin rằng họ có thể thuyết phục được bất kỳ ai về tầm quan trọng của công ty. Họ thường quên mất một điều rằng những lãnh đạo thành công của các đối tác thường hết sức bận rộn và có hàng đống việc để lo nghĩ. Tất nhiên, việc gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng này không phải là bước đi sai lầm - nó có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, đó là một lựa chọn có xác xuất thành công thấp và có thể phản tác dụng, làm cho người lãnh đạo trong cơ cấu tổ chức của đối tác xa lánh bạn.

Một hướng đi tốt hơn cho vấn đề này là phải nuôi dưỡng mối quan hệ với một người phù hợp trong cơ cấu tổ chức của đối tác. Thuyết phục họ, ăn tối với họ và biến họ trở thành người hùng trong mắt tổ chức của họ bằng việc phát hiện ra bạn. Hiểu được những vấn đề trong công ty của họ là gì và giúp họ thành công. Các CEO trong những tổ chức lớn sẽ dễ dàng làm theo những khuyến nghị của đồng sự hơn là tự mình đưa ra một quan điểm mới lạ hoặc không được mọi người ủng hộ.

Bài học 3: Thuyết phục đối tác

Vergennes là một đồng minh lớn của Franklin và người Mỹ. Ông chủ chương ủng hộ nuớc Mỹ trước triều đình Pháp. Ông cho rằng Anh là một kẻ thù hung hãn và không xứng đáng. Thế nhưng, một lý do quan trọng hơn, thuộc về lợi ích kinh tế và chính trị của Pháp là Anh sẽ tê liệt vì bị Mỹ cô lập. Franklin đã sử dụng một trong những chiến lược tốt nhất trong phát triển kinh doanh để thuyết phục Vergennes và cuối cùng vua Louis XVI đã ủng hộ Mỹ. Ông đã sử dụng chiến thuật tấn công đồng thời “thực” và “không thực”.

“Thực” là Pháp sẽ có được những lợi ích tốt nhất khi đánh bại Anh trong cuộc xung đột này. Hơn nữa, Mỹ lại sẵn sàng “dâng” một phần đất (lãnh thổ Louisiana) để trao đổi. Đây thực sự là một món hời cho Pháp. Rõ ràng, họ không những có thể đánh bại Anh mà còn có được lãnh thổ Louisiana của Mỹ.

Yếu tố “không thực” đánh vào tình cảm. Franklin đã “tấn công” vào khía cạnh tâm lý của nước Pháp trong các cuộc đàm phán. Ông đã dựa vào tính cách hiếu chiến và khát khao chiến thắng của người Pháp để thuyết phục họ. Chiến lược này tinh tế và mềm mỏng hơn nhiều.

Hiện nay, trên thế giới, việc áp dụng một chiến lực tương tự như thế trong kinh doanh có thể mang lại hiệu quả xuất sắc. Yếu tố “thực” là các lợi ích kinh tế của hai tổ chức. Tất cả các công ty đều muốn thực hiện được những mục tiêu họ đặt ra: có được lượng khách hàng mới; bảo đảm nguồn tài nguyên; khắc phục sự cạnh tranh và cuối cùng là tạo thêm nhiều giá trị cho các bên liên quan mật thiết với họ. Trong trường hợp liên doanh, công ty nhỏ hơn thường sẽ có công nghệ hay một loại tài sản khác mà công ty lớn hơn có thể sử dụng để làm lợi cho mình.
Trong bối cảnh ngày nay, “không thực” chính là việc đưa ra một tầm nhìn liên doanh mới cho tổ chức đối tác và thuyết phục họ làm theo. Những tầm nhìn này là những khái niệm hết sức hấp dẫn. Tầm nhìn liên doanh cũng có thể được tăng cường thông qua những chỉ số của sự thành công sớm. Khi doanh nghiệp của bạn còn nhỏ, sẽ không mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để bạn có thể đạt được tăng trưởng 100%. Xét về mặt khách quan, dù cho những con số kinh doanh vẫn còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng và sự nhận thức sớm có thể là các yếu tố gia cố mạnh mẽ cho một tầm nhìn. Với một tầm nhìn hấp dẫn, những thành công ban đầu và ý thức về tương lai có thể giúp các doanh nhân thuyết phục những đối tác lớn hơn đón nhận họ như những đối tác.

Bài học 4: Quản lý đối tác

Vào năm 1777, Pháp đã bị thuyết phục. Ban đầu, họ hỗ trợ tài chính và vũ khí cho người Mỹ và dần tăng cường hỗ trợ cho quân đội của nước này. Mỹ đã có được đồng minh mạnh mẽ cho mình. Tuy nhiên, Ben Franklin đã không quay trở về quê hương ngay sau đó. Thực tế, ông đã sống tại Paris từ năm 1778-1785. Trong thời gian ở đó, Franklin đã len lỏi vào trong triều đình Pháp và gửi về Mỹ những thông tin có độ chính xác cao. Nhiều sử gia đã xem sự tiếp tục hiện diện của Franklin tại Pháp là một bí quyết để có một quan hệ đối tác thành công giữa hai nước.

Các chuyên gia phát triển kinh doanh trong thời đại Internet ngày nay thường quên mất tầm quan trọng của việc quản lý mối quan hệ sau khi những ràng buộc pháp lý được ký kết. Thỏa thuận giữa hai công ty chỉ là điểm khởi đầu. Việc quản lý mối quan hệ sẽ đảm bảo cho sự phối hợp giữa hai bên, xóa bỏ mọi hiểu lầm, hạn chế những thông tin sai lệch và sắp xếp lại thỏa thuận khi bối cảnh của quan hệ đối tác thay đổi theo thời gian. Trường hợp lý tưởng nhất là việc xây dựng các mối quan hệ và duy trì quản lý các mối quan hệ đó nên do một người đảm nhận.

Đây chính là trường hợp của Franklin và Pháp. Người đi khai mở mối quan hệ do nắm vững được bối cảnh và các nguyên tắc thỏa thuận ban đầu sẽ là ưu tiên số một để đảm nhận vị trí. Tuy nhiên, nếu không được, thì hai bên vẫn cần phải chỉ định những người cụ thể để quản lý mối quan hệ và duy trì các mối quan hệ cũ càng lâu càng tốt.

Thông thường có hai vấn đề xảy ra đối với việc quản lý quan hệ đối tác. Thứ nhất là những hạn chế về tài nguyên (đặc biệt là đối với những công ty nhỏ). Và thứ hai là thực tế một tổ chức doanh nghiệp thường khen thưởng cho những thỏa thuận thành công, còn quản lý mối quan hệ thì không. Xét về vấn đề hạn chế nguồn lực, câu trả lời duy nhất đó là quản lý mối quan hệ là một vấn đề ưu tiên. Phải để cả hai bên nhận thức được các mối quan hệ đối tác phức tạp như thế nào và việc quản lý những mối quan hệ đó có tầm quan trọng ra sao. Sự phức tạp và tầm quan trọng càng cao, thì nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên vào đó càng trở nên quan trọng. Về vấn đề khen thưởng, tốt nhất là nên áp dụng các các chỉ số hiệu quả cho liên minh chung và trao phần thưởng cho cả người xây dựng và người quản lý. Nếu những phần thưởng đó không tồn tại, thì việc quản lý mối quan hệ phải trở thành công việc được thực hiện thường xuyên.

Chúng ta thường tự hào khi giải quyết được các vấn đề mà trước đó không người nào làm được. Nhưng thực tế, lịch sử lại dạy chúng ta những bài học lớn. E- mail đã dần thay thế những sứ giả trên các con tàu, những ký tự mã hóa dần thay thế cho những con dấu... Tuy nhiên, các nguyên tắc tạo ra và quản lý một mối quan hệ giữa các tổ chức là không thay đổi. Cần phải có sự nhạy bén và việc tuân thủ một quá trình nhất định để đi đến một thỏa thuận phát triển kinh doanh hoàn hảo. Ngoài ra, sự nhẫn nại và kiên trì để quản lý mối quan hệ.
Bằng chứng cho thấy, ngày nay, các doanh nhân có thể học rất nhiều từ Ben Franklin - người đàn ông sống cách đây gần 250 năm.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

7 bí quyết trở thành triệu triệu phú



Bạn chỉ giàu có khi kiếm ra nhiều triệu đô la trong khi vẫn vung tay thoải mái. Muốn thế, hãy thử làm theo 7 bí quyết sau của các nhà triệu triệu phú.
LTS: Bài viết dưới đây (nguyên bản tiếng Anh) là của Grant Cardone – một doanh nhân thành đạt, một diễn giả tài năng, một nhà báo, một nhà văn lỗi lạc đồng thời là một người dẫn chương trình nổi danh ở Mỹ. Sinh năm 1958, ông hiện đang là chủ của 3 doanh nghiệp và tác giả của 3 cuốn cẩm nang kinh doanh đang bán rất chạy. Các chương trình truyền hình do ông thực hiện được chiếu trên CNN, CNBC, Fox News… 


Một triệu đô la đối với nhiều người là một món tiền khổng lồ, thoải mái cho họ ăn tiêu. Thế nhưng với các triệu phú Mỹ, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị trên thế giới đang chao đảo như hiện nay, đôi khi một triệu đô la cũng không phải là một con số đủ để đảm cho một cá nhân và gia đình họ có một cuộc sống ổn định. Theo một nghiên cứu gần đây của  Fidelity Investments thì 42% trong số 1000 triệu phú Mỹ được hỏi trả lời rằng họ không cảm thấy mình giàu có. Khi được hỏi bao nhiêu tiền thì mới đủ giàu có, con số được đưa ra là 7,5 triệu USD.  

Vì thế, nếu muốn trở nên giàu có, hãy ước mình là triệu triệu phú chứ đừng chỉ là triệu phú. 

Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai gọi bạn là giàu có nếu bạn phải chắt bóp từng xu để rồi đến cuối đời mới có ít của ăn của để. Bạn chỉ giàu có khi kiếm ra nhiều triệu đô la trong khi vẫn vung tay thoải mái. Muốn thế, hãy thử làm theo 7 bí quyết sau của các nhà triệu triệu phú. 

Bí quyết 1: Quyết tâm làm giàu – Điều đầu tiên là bạn phải chắc chắn là mình muốn trở thành triệu triệu phú dù vẫn đang còn tay trắng. Tôi vốn không có gì ngoài sự chăm chỉ và nguồn ý tưởng dồi dào nhưng cuối cùng cũng gây dựng nên một sản nghiệp mà cả đời không dễ đã tiêu hết. Bước đầu tiên của tôi là lên quyết tâm và đặt mục tiêu. Ngày nào tôi cũng viết đi viết lại câu này: “Tôi đáng giá hơn 100.000.000 đô la”.

Bí quyết 2: Xóa bỏ tư duy ‘nghèo’ – Tiền chẳng thiếu trên trái đất này, chỉ thiếu những người biết rằng tiền là có thừa. Để tay trắng trở thành triệu phú, bạn phải chấm dứt ngay kiểu suy nghĩ ‘nghèo đói’. Tôi biết làm điều này quả là không dễ dàng nhưng không thể không làm. Tôi sinh ra đã không có bố. Mẹ tôi đã phải tìm mọi cách để nuôi ba đứa con trai ăn học. Nhiều điều bà dạy khiến tôi thêm sợ và tin vào sự thiếu thốn: “Ăn hết đi, đừng để thừa, người ta còn đang chết đói đầy ra kia kìa”, “Đừng phí phạm bất cứ cái gì”, “Tiền không phải từ trên trời rời xuống”. Nhưng nếu cứ nghĩ thế thì ta sẽ chẳng bao giờ khá giả và sung túc thực sự. 

Bí quyết 3: Coi làm giàu là một nghĩa vụ - Các triệu triệu phú không chỉ tham vọng về tiền tài mà còn muốn được thế giới ghi nhận sự đóng góp của họ. Tôi cũng vậy. Tuy thích giàu “từ trong trứng” nhưng mơ ước lớn hơn của tôi là được cống hiến hết khả năng của mình. Các triệu triệu phú sẽ không hạ mục tiêu khi mọi thứ trở nên khó khăn. Ngược lại, họ sẽ kỳ vọng cao hơn bởi họ biết họ có thể tạo nên sự khác biệt với gia đình, cơ quan, tập thể và cộng đồng của mình.  

Bí quyết 4: Kết giao với các triệu triệu phú – Tôi đã tìm hiểu về những người giàu có từ khi mới 10 tuổi. Họ chính là những người thầy đã truyền cho tôi nhiệt huyết. Làm sao mà học được gì từ những người chẳng bao giờ kiếm được tiền. Ai là người lúc nào cũng nói “Tiền không làm bạn hạnh phúc?” Tất nhiên là người không có tiền rồi. Ai nói: “Người giàu là người tham lam?” Tất nhiên là người không giàu rồi. Người giàu không bao giờ nói thế. Vì thế, bạn hãy học những người giàu, tìm hiểu họ kiếm tiền như thế nào và làm theo họ. Họ đọc gì? Đầu tư như thế nào? Động cơ là gì? Làm thế nào để luôn nhiệt huyết? Đó là những thứ bạn phải học.  


Bí quyết 5: Làm việc như một triệu phú thực sự - Người giàu có có cách sử dụng thời gian khác người. Họ tìm cách mua thời gian trong khi người nghèo lại muốn bán thời gian. Người giàu biết thời gian còn quý hơn cả tiền bạc, vì thế họ thuê người khác làm những thứ mà họ không giỏi làm hay những thứ mà nếu làm sẽ không sinh ra nhiều của cải – chẳng hạn như những việc vặt trong nhà. Nhưng đừng vội coi thường, họ là những người làm việc rất chăm chỉ đấy. Những con người kiếm tiền như nước thường bị cuốn vào công cuộc kiếm tìm thành công tới mức quên mình và làm việc như thể đang đắm chìm trong men say chiến thắng,  

Bí quyết 6: Chuyển từ chi tiêu sang đầu tư -  Người giàu không tiêu tiền; họ đầu tư. Họ biết rằng luật dành nhiều ưu đãi cho đầu tư hơn là cho chi tiêu. Bạn mua một biệt thự để sống nhưng biệt thự đó không thể đầu tư vào làm gì cả. Ngược lại, người giàu mua một tòa nhà chung cư kiêm văn phòng để vừa ở vừa cho thuê. Tòa nhà đó vừa đem lại nguồn thu cho họ, vừa được tính khấu hao và trừ vào chi phí của công ty. Bạn mua một chiếc xe lịch lãm và phong cách cho riêng mình còn người giàu mua xe cho công ty họ và sử dụng chúng để tạo ra lợi nhuận.
 
Bí quyết 7: Tạo ra vô số nguồn thu nhập – Người giàu thực sự không bao giờ sống phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Công ty đầu tiên của tôi liên tục đạt doanh thu lên tới 7 con số trong nhiều năm liền nhưng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Khi việc kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn tỏ ra hơi bất ổn, tôi liền tấn công vào lĩnh vực phát triển phần mềm cho giới bán lẻ.

Một điều nữa, người giàu cũng mong muốn người khác giàu có. Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng thực sự, người giàu không hiểu tại sao người khác không giàu được. Họ biết bản thân họ chẳng có gì đặc biệt và tiền tài sẽ không thiếu với bất kỳ ai biết chú tâm và kiên trì. Người giàu muốn người khác giàu vì hai lý do: 1, họ muốn bán sản phẩm và dịch vụ của mình nhiều hơn; và 2, họ muốn kết giao với nhiều người giàu hơn. 

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Phải, Bạn Có Thể





Kinh nghiệm không phải là điều xảy ra với một con người. Mà nó là điều mà người đó làm với những gì đã xảy ra với anh ta. Aldous Huxley

Bạn sẽ làm gì nếu vào tuổi 46 bạn bị phỏng đến độ không còn nhận ra nổi vì một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp, và 4 năm sau bạn lại bị liệt nửa thân dưới sau một vụ rớt máy bay? Và rồi bạn có tưởng tượng rằng trong tình trạng đó bạn có thể trở thành nhà triệu phú, một nhà diễn thuyết được nhiều người kính trọng, thành một người chồng hạnh phúc và một nhà kinh doanh thành công? Bạn có hình dung bạn có thể đi bè? Nhảy rơi tự do từ máy bay? Hoạt động chính trị?
W. Mitchell đã làm được tất cả những điều trên và còn hơn nữa là sau hai tai nạn khủng khiếp đã khiến mặt của ông trở thành một mảng các miếng da đắp vá nhiều màu, bàn tay mất ngón và đôi chân teo liệt trên một xe đẩy.
Sau một loạt 16 cuộc giải phẫu ngay sau khi ông bị tai nạn xe hơi làm cho ông có một cơ thể bị phỏng hơn 65%, không thể nhấc dù chỉ là muỗng thức ăn, không thể quay số điện thoại hay đi vào nhà tắm mà không có người giúp. Nhưng Mitchell, nguyên là lính thủy, không bao giờ tin là ông đã bị đánh bại. "Tôi phải chịu trách nhiệm về con tàu của mình," ông nói. "Nó là sự thành bại của tôi. Tôi có thể nhìn tình thế như là sự khởi đầu lại từ điểm xuất phát." Sáu tháng sau ông đã lái máy bay được.
Mitchell mua một căn nhà lớn tại Colorado, vài mảnh đất, một chiếc máy bay và một quán bar. Sau đó kết hợp với 2 người bạn, ông mở một công ty sản xuất đồ gốm với số nhân công lớn thứ nhì Vermont.
Và 4 năm sau ngày bị tai nạn xe hơi, cái máy bay mà Mitchell lái đã bị rớt xuống đường băng khi vừa cất cánh, làm gãy 12 đốt xương sống vùng ngực và làm ông liệt hẳn nửa người bên dưới. "Tôi không hiểu chuyện quái quỉ gì đã xảy ra. Tôi đã làm gì mà phải lãnh kết quả như vậy?"
Nhưng rồi, không nản lòng, Mitchell làm việc ngày và đêm để có thể lấy lại được sự độc lập cho mình càng nhiều càng tốt. Ông được bầu làm thị trưởng của Crested Butte, Colorado, để đấu tranh giữ cho thành phố thoát khỏi nguy cơ bị ô nhiễm và bị tàn phá vẻ đẹp bởi một mỏ quặng sắp được xây dựng. Mitchell còn ứng cử vào Quốc hội, chuyển cái vẻ bề ngoài khó coi của ông thành một sức mạnh qua câu khẩu hiệu "Not just another pretty face" - Không chỉ là một khuôn mặt đẹp nữa (vào Quốc hội).
Mặc cho vẻ bề ngoài khó coi và khả năng hoạt động giới hạn, Mitchell vẫn tham gia đi bè, yêu và lập gia đình, lấy được bằng cao học về công tác xã hội (public administration) và tiếp tục bay, tích cực bảo vệ môi trường và diễn thuyết.
Tinh thần mạnh mẽ tích cực đập vào mắt mọi người của Mitchell đã làm ông được mời vào các chương trình "Chương trình hôm nay" và "Chào nước Mỹ" cũng như nhiều bài viết về ông đã được đăng trong các báo, tạp chí Parade, Time, The New York Times...
"Trước khi tôi bị tai nạn, tôi có thể làm được 10,000 việc," Mitchell nói. "Bây giờ chỉ còn là 9,000. Tôi có thể cứ nghĩ đến 1,000 điều bị mất hay tập trung vào 9,000 điều tôi còn? tôi biết mình phải làm gì. Tôi vẫn nói với người ta rằng tôi có 2 cú đập của số phận. Tôi đã chọn việc không dùng điều đó như là lời bào chữa cho đào ngũ, thì những kinh nghiệm đau đớn có thể được nhìn với một góc độ mới. Bạn có thể dừng lại, nhìn một cách toàn diện hơn và có thể nói rằng "Có cũng không tệ lắm."
Xin nhớ rằng "Quan trọng không phải điều gì xảy ra với bạn, mà là điều gì bạn làm sau đó."


Nhìn xa và trông rộng


Ba người thợ xây đang lát gạch cho bức tường để xây một tòa nhà nguy nga. Một người đến hỏi: “Các anh đang làm gì thế?”, và anh ta nhận được ba câu trả lời...khác nhau.

Người thợ xây thứ nhất: Anh không thấy đường à? Tôi đang chét hồ để ốp từng viên gạch chứ còn làm gì nữa.

Người thợ xây thứ hai: Thì đang xây bức tường cao này đấy thôi.

Người thợ xây thứ ba: À, anh đang đứng trước một tòa nhà nguy nga mà tôi đang xây đấy.

Câu trả lời của người thợ xây thứ ba rõ ràng là hồ hởi, háo hức hơn nhờ khả năng “nhìn xa” của anh ta. Anh nhìn xa hơn công việc hiện tại mình đang làm, anh trông thấy trước thành quả và dự báo được chuyện sẽ đến trong tương lai với một bản vẽ tòa nhà nguy nga đã có từ trước trong đầu. Chắc chắn, công việc và cuộc sống của người thứ ba sẽ nhiều niềm vui và thú vị hơn nhiều hai người thợ xây còn lại.

Nhìn xa về thời gian

Nhìn xa, nhìn điều mà người khác không nhìn thấy theo tôi là phẩm chất cơ bản phân biệt nhà lãnh đạo với nhà quản lý, giữa người dẫn đường (nhà lãnh đạo) với người quán xuyến cho công việc chạy tốt (nhà quản lý). Khả năng này đòi hỏi tầm nhìn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và cũng dễ hiểu khi những nhà lãnh đạo giỏi ban đầu thường bị người khác “chê cười” hoặc hoài nghi vì cho rằng họ không thực tế, mơ mộng hão huyền. Lý do: các nhà lãnh đạo giỏi đang “nhìn thấy” những điều mà người bình thường không nhìn thấy! Mắt của chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mà trong đầu chúng ta tin là có, vì vậy trí tưởng tượng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải vượt khỏi thế giới hữu hình xung quanh mình. Để thuyết phục người khác đi theo con đường của mình, trí tưởng tượng ấy còn phải được tiếp thêm sức mạnh của niềm tin, của cảm xúc dạt dào từ con tim – nơi ấp ủ những hoài bão tốt đẹp mà chỉ có bạn “nhìn thấy” vì nó thuộc về tương lai.

Nếu các doanh nhân có tầm nhìn xa thì việc chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình trước hội nhập WTO đã phải diễn ra từ... nhiều năm trước. Bản thân doanh nhân đã sẵn sàng cho việc hội nhập từ... ngày thành lập công ty, tức trong đầu anh ta đã thành hình con thuyền lớn để ra biển lớn từ lâu! Với tầm nhìn xa, bạn sẽ thấy trước xu hướng, chuẩn bị đón lấy những cơ hội lớn từ nó mang lại và bạn chiến thắng.

Ở đây, tôi muốn quay lại ý niệm cơ bản trong chiến lược, đó là “vision & mission” mà chúng ta quen gọi là “tầm nhìn & sứ mạng”. Để diễn tả hết ý của vision, tôi thường dùng cách diễn nghĩa “hình ảnh doanh nghiệp tương lai” để dễ hình dung. Đó là những mô tả mà khi đọc vào, bạn như nhìn thấy doanh nghiệp của mình trong đó, với qui mô, hình hài để rồi bạn như chạm được vào nó, hình dung ra nó và có cảm xúc với nó. Có như vậy, bạn mới có sự háo hức như anh thợ xây thứ ba trong suốt tiến trình “đắp từng viên gạch” xây nên doanh nghiệp của mình.

Trông rộng về không gian

Tôi đặt câu hỏi như sau trong các buổi hội thảo cho doanh nghiệp: Bạn có nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới không? Ban đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ “thay đổi thế giới ư, chuyện đội đá vá trời” nên nhanh chóng trả lời không. Tôi đưa một ví dụ: Nếu bạn cho một nhân viên nghỉ việc, không chỉ người nhân viên này bị ảnh hưởng một mình. Xét về công việc, đồng nghiệp và toàn thể bộ phận của anh ta bị ảnh hưởng, thậm chí phải thu xếp làm choàng việc của anh. Vì vậy, kết quả công việc của bộ phận này rồi sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác, có tác động đến đầu ra của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến khách hàng.

Xét về gia đình anh nhân viên này, chắc chắn quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến vợ con anh ta, rồi sự lo lắng của người vợ sẽ tác động không hay lên công việc của chị và rồi mọi việc lặp lại giống như doanh nghiệp nơi anh chồng làm việc. Khi đứa con lo lắng hoặc bị bố cáu gắt vì mất việc mắng, em sẽ để mọi chuyện ảnh hưởng đến việc học, việc chơi, và thầy cô, bạn bè của em cũng bị tác động. Đó chính là hiệu ứng cánh bướmnổi tiếng (Butterfly effect): chỉ với một cái vỗ cánh của con bướm ở rừng rậm Amazon tận châu Mỹ có thể gây nên tai họa núi lửa phun ở Philippines.

Mỗi cá nhân chúng ta đều sống trong một hệ thống quan hệ chằng chịt, vì vậy vai trò của một người lãnh đạo doanh nghiệp còn có tác động lớn hơn nữa. Với hiệu ứng này, mọi sự việc dù nhỏ cũng có thể tạo tác động rộng lớn. Chỉ một thay đổi nhỏ về giá của sản phẩm công ty bạn, nhưng có thể ảnh hưởng đến cả thị trường. Chỉ một việc giảm chiết khấu đại lý là có thể gây ra những tác động lớn lên cả hệ thống phân phối. Chỉ một cái lắc đầu của bạn hay một lời khen tặng động viên dành cho nhân viên là bạn đang tạo ra một thay đổi lớn lao rồi đấy, nếu bạn “trông thật rộng”.

Khả năng nhìn xa và trông rộng giúp người lãnh đạo suy xét mọi hậu quả lâu dài của các quyết định của mình, ngay cả trong việc cân nhắc từng lời nói, hành động, suy nghĩ. Nhận thức này không chỉ cần thiết cho thời kỳ hội nhập WTO, mà cần thiết trong suốt cả quãng đời tồn tại của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn đóng góp tốt nhất cho xã hội, cho cuộc sống loài người, doanh nhân hãy nhìn thật xa và trông thật rộng.